(Life - Now Let Us)
Bạn có một công việc ổn định nhưng chưa bao giờ thấy thực sự hài lòng. Bạn thiếu vắng cảm giác bị lôi cuốn với các hoạt động trong cuộc sống. Khi được hỏi: "Thích làm gì nhất?”, bạn ngồi thẫn thờ và không có câu trả lời. Nếu tình trạng này xảy ra khi bạn sắp mừng sinh nhật thứ 30, xem như "thảm hại” rồi. Có thể nói, bạn đã để lạc mất niềm đam mê thời thơ ấu của mình hoặc giả chưa từng nhận ra mình yêu thích điều gì trong cuộc sống.
"Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời…”. Nếu lấy mốc sáu mươi tuổi làm chuẩn, bạn còn hơn ba mươi năm nữa để đánh thức sự say mê. Cứ sống thế này, chẳng cần đam hay mê cái gì cả, bạn vẫn chẳng chết, nhưng thế thì nhạt lắm! Sẽ có lúc bạn phát thèm khi thấy những người xung quanh được sống hết mình với điều họ yêu thích. Khi ấy, lỡ hối hận rồi bạn thay đổi làm gì kịp nữa. Vì vậy ngay từ bây giờ hãy lắng nghe những lời khuyên bổ ích sau nhé!
Bước 1: Hiểu bản chất của sự đam mê
Đam mê, không phải cứ ngồi đấy mà suy nghĩ hay cố gắng là có và cũng không thể biến sự yêu thích của ai đó thành của mình. Thì đấy, bạn không thể ép mình thích chơi nhạc, vẽ tranh… Nói cách khác, bạn phải tự tìm kiếm niềm đam mê, nắm bắt và khơi nguồn nó thôi. Muốn thế, bạn phải thoát khỏi sự định hướng của người khác.
Ngày bé tí, bạn đã được học các môn năng khiếu, nhưng chưa chắc đó là đam mê mà chỉ là mong ước hoặc sự áp đặt của phụ huynh. Bạn cần tái định hướng sở thích, từ đó mới có thể xác định điều mình thật sự say mê.
Bước 2: Xác định đâu là niềm đam mê
Hiểu đơn giản, đam mê là những gì bạn làm với tất cả sự nhiệt tình, vui thích và luôn làm tốt. Hồ Đan, 30 tuổi, chủ một chuỗi nhà hàng cho biết: "Tôi đã thích nấu ăn từ 15 năm trước. Sau khi ăn ở các nhà hàng về, tôi thử nấu lại. Có những món không hỏi công thức, tôi cũng "mò” được. Với tôi, nghệ thuật ẩm thực rất kỳ diệu và tôi say mê nó”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình thích gì. Đó là trường hợp bạn không có năng khiếu nổi trội mà khá đều ở nhiều lĩnh vực. Đọc tiếp bước 3 nhé!
Bước 3: 30 phút mỗi ngày cho 7 câu hỏi sau:
1. Điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ nhất khi làm?
2. Điều gì khiến bạn có thể làm một cách dễ dàng?
3. Điều gì kích thích sự sáng tạo của bạn?
4. Điều gì khiến bạn có thể làm mà không cần nghĩ đến thu nhập?
5. Bạn thích nói về chủ đề nào nhất?
6. Điều gì khiến bạn chấp nhận thất bại, miễn là được bắt tay vào thực hiện?
7. Điều gì khiến bạn hối hận vì đã không cố gắng hơn nữa?
Bước 4: Liệt kê những việc bạn thích
Bạn có sở thích gì hoặc thuở bé bạn mơ ước làm gì? Hãy viết tần tật những điều đó ra. Từ những sở thích ấy, bạn có thể phát triển và cụ thể hóa để rút ra kết luận. Khi say mê điều gì, bạn luôn hướng về nó, tìm đọc sách báo, lướt web hàng giờ và không ngừng trao đổi với người cùng sở thích về chủ đề ấy. Nếu vẫn chưa xác định mình thích gì, hãy luôn mang theo sổ tay và ghi lại mọi ý tưởng nảy ra trong đầu. Khi có thời gian, bạn hãy sắp xếp và sàng lọc thông tin.
Bước 5: Lắng nghe đánh giá từ người khác
Hãy nhờ bạn bè, người thân đánh giá điểm mạnh, năng lực, năng khiếu… của bạn. Ghi lại và khoanh vùng những ý trùng nhau. Đây là điểm nổi bật ở bạn mà ai cũng nhìn thấy. Sau đó, bạn quay lại bước 3 để đối chiếu với các câu hỏi và định hình đam mê.
Bước 6: Loại bỏ điều tiêu cực
Bạn thích trở thành bác sĩ thú y vì niềm vui là chăm sóc cún, mèo, thỏ. Thế nhưng, nhiều người lại khuyên bạn từ bỏ vì nghề đó… không sang.
Đừng bận tâm đến các lý do vớ vẩn làm "nhụt chí anh hùng”. Sự e ngại sẽ khiến bạn không đủ mạnh mẽ và tự tin để dấn thân. Ngoài ra, tránh xa những người luôn khiến bạn bực bội để thoải mái đầu óc nhé.
Bước 7: Đánh thức năng lực tiềm năng
Bạn nhận ra mình có máu điện ảnh? Hãy đăng ký lớp biên kịch, đạo diễn, diễn viên… Bạn thích giao tiếp với những con người mới? Đăng kí học lớp PR ngắn hạn đi bạn. Hãy kiểm tra bản thân qua các hoạt động mà bạn cảm thấy hứng thú. Nếu chỉ suy nghĩ trong đầu, làm sao bạn biết mình thực sự có khả năng trong lĩnh vực nào và điều gì có thể khiến tim bạn run lên vì say mê, không dứt ra được?
Bước 8: Huy động nguồn lực trợ giúp
Hãy tìm những người có chuyên môn hoặc thành công trong lĩnh vực bạn yêu thích để xin lời khuyên. Rất có thể từ họ, bạn chợt nhận ra điều mình đang theo đuổi chưa phải là đam mê thực sự. Khi ấy, bạn sẽ chuyển hướng tìm kiếm để không lạc lối.
Bước 9: Bắt đầu ngay bây giờ
Dẹp ngay suy nghĩ đã quá muộn để thay đổi một sở thích. Thậm chí khi đã qua cái tuổi "băm năm nhát”, bạn vẫn còn khối thời gian để sống với niềm đam mê của mình. Mà bạn này, nhiều người khẳng định chỉ cần có đam mê, thành công gặt hái trong một năm bằng cả mười năm sống và làm việc "vật vờ” đấy.
Bước 10: Hãy sắp xếp thời gian
Bạn không có thời gian để theo đuổi đam mê ư? Thế thì hãy tìm đi! Nếu không làm điều đó, ai có thể giúp bạn chứ? Hãy dậy sớm một chút, ngủ muộn một giờ, nhín thời gian cuối tuần, bớt xem ti-vi, chát chit, chơi game, tổ chức lại cuộc sống… Như thế, bạn sẽ tiết kiệm được ít nhất ba giờ mỗi ngày để "trang trải” cho niềm yêu thích của mình.
- "Tôi đam mê gì, yêu thích lĩnh vực nào?” là câu hỏi làm day dứt bao Eva đang chịu đời "sống nhạt”. Với họ, tìm được niềm đam mê là một điều vĩ đại nhất trong đời.
- Có lửa, sao không đốt?
Đam mê không chỉ thêm hương thêm hoa mà có thể thêm tiền cho bạn đấy!
Một số người tự "vùi dập” niềm đam mê của mình vì cho rằng chúng chẳng "nên cơm cháo” gì, nhất là những sở thích có vẻ "điên điên”, trẻ con. Tuy nhiên, họ có thể hái ra tiền mà không biết. Ví dụ như…
- Bạn vẫn mê chơi búp bê, trò xếp gỗ, nặn đất sét… sao không nghĩ đến một công ty đồ chơi nhỉ?
- Bạn ghét làm việc với chữ và con số nhưng có thể đan, móc suốt ngày? Còn chờ gì nữa mà không mở ngay một trang web hoặc lên Facebook bán đồ "handmade”!
- Mê sưu tầm quần áo cũ? Shop mang tên bạn cần sớm khai trương ngay.
- Đừng bao giờ đổ thừa: "Tôi không rảnh để theo đuổi đam mê”. Hãy tự tạo thời gian cho mình vì không ai có thể giúp bạn trong chuyện này.
Life - Now Let Us (Theo nghethuatsong.org)
Comments