#

Giúp bạn điều trị đủ kiểu tật xấu khó đỡ khi đi ngủ

Đăng bởi: Admin

(Life - Now Let Us)

Ngáy

Nguyên nhân gây ngáy ngủ có thể do mắc bệnh viêm amidan, viêm xoang, dị ứng, do cổ họng hẹp bẩm sinh, cuống lưỡi to, cuống họng dài, cơ thể quá béo làm cho mỡ bám dày cổ họng, do hút thuốc lá nhiều…

Về cách chữa trị, nếu bạn là người béo phì thì cần giảm cân, tập thể dục thường xuyên, tránh uống rượu 4 tiếng trước khi ngủ và tránh ăn nhiều vào bữa tối.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chữa dứt điểm chứng viêm mũi dị ứng. Khi ngủ, bạn có thể nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn, từ đó giảm ngáy. Nếu bệnh quá nặng, cần phẫu thuật bằng laser hoặc đốt các phần mềm cuống họng.


Chảy nước dãi

Tật tiết nước dãi nhiều về đêm là triệu chứng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đây là bệnh nội khoa, thường do rối loạn ở các tuyến nước bọt và có liên quan đến thần kinh. Nguyên nhân có thể do thường ngày có thói quen ăn quá nhiều gia vị như ớt, hồ tiêu, mù tạt,... hoặc bữa tối ăn quá no. Ngoài ra cũng có thể do rối loạn đường tiêu hóa hoặc loét dạ dày - hành tá tràng (dịch vị tăng tiết kích thích thần kinh thực vật), rối loạn giấc ngủ hoặc thần kinh bị căng thẳng.

Vì vậy những người hay chảy nước dãi không nên ăn nhiều gia vị, bữa tối không nên ăn quá no, tinh thần luôn luôn thoải mái tránh căng thẳng, không để thiếu ngủ. Lúc ngủ, nên nằm ở tư thế ngửa, thẳng người, kê đầu lên gối. Khi đó nước bọt sẽ chảy về đáy hàm. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục và nặng hơn, người bệnh nên đi khám ở khoa tiêu hóa và thần kinh.


Mở mắt khi ngủ

Ngủ không nhắm mắt có nhiều nguyên nhân khác nhau như liệt dây thần kinh vận động nhắm mở mắt, cơ mặt bị tổn thương, hoặc do ảnh hưởng chấn thương sọ não, lồi mắt, hở mi, tổn thương vùng mắt, hay thậm chí là có khối u, rối loạn giấc ngủ, teo hay liệt vận động cơ mặt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Một vài trường hợp khác có thể là do di truyền khi trong nhà có nhiều người cùng bị.

Bệnh này có thể điều trị khỏi bằng phương pháp châm cứu, kích thích vào các huyệt vị của dây thần kinh này, giúp nó hoạt động bình thường trở lại.

Nói mơ

Hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tùy theo sức khỏe của mỗi người mà thể hiện ra bên ngoài. Nó phản ánh vấn đề tâm lý mà người đó đang gặp phải.


Nếu nói mơ không ảnh hưởng đến sức khỏe, hành vi thì nên tập luyện, thư giãn mỗi ngày để giúp có giấc ngủ tốt, hiện tượng này sẽ giảm. Còn nếu nói mơ kéo dài liên tục kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng đến công việc thì tốt nhất nên đến các trung tâm y tế hoặc tư vấn tâm lý để được khám và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Nghiến răng

Tật nghiến răng khi ngủ thường gặp ở độ tuổi 10 - 40, và có khuynh hướng giảm dần theo tuổi. Một số yếu tố có thể làm xuất hiện nghiến răng là lo âu hay stress kéo dài. Việc dùng các chất kích thích như cafe hay thuốc lá cũng dễ làm cho cơ thể sản sinh thêm nhiều adrenalin, khiến tật nghiến răng trở nên nặng thêm.

Khám răng là cách tốt nhất để chữa chứng nghiến răng khi ngủ. Nha sĩ sẽ tìm ra các dấu hiệu ở miệng và hàm nếu bạn có tật nghiến răng bằng việc khám thông thường. Ngoài ra, bạn càng thấy ít lo âu và căng thẳng, càng có cơ hội tránh được tật này.



Life - Now Let Us (Theo kenh14)

Comments

Nếu bạn muốn tham gia cùng viết bài và đóng góp nội dung cho
"Sắc Màu Cuộc Sống - Now Let Us"


Hãy gửi ngay