(Life - Now Let Us)
"Xin chào, xin chào Việt Nam", Tổng thống Mỹ Obama tươi cười bước ra từ cánh gà trên sân khấu và nói bằng tiếng Việt, khiến đám đông hơn 2.000 người ồ lên vì tưởng ông sẽ đi vào từ phía cửa khán phòng.
Khi tiếng vỗ tay dần ngớt, với lối nói chuyện dí dỏm và cuốn hút, Tổng thống Mỹ bắt đầu kể câu chuyện của mình khi đến một đất nước cách xa nửa vòng trái đất.
"Hôm qua tôi đến thăm phố cổ Hà Nội, ăn bún chả và uống bia Hà Nội rất ngon. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy trong đời. Tôi chưa thử qua đường, nhưng sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn có thể chỉ cho tôi cách qua đường", ông Obama gợi ý.
Tự nhận mình và những người có mặt trong khán phòng có điểm chung, là những người trưởng thành sau chiến tranh, Tổng thống Mỹ cho biết khi lực lượng quân sự Mỹ rời khỏi Việt Nam, ông mới 13 tuổi. Lý tưởng chung và lịch sử chống thực dân có thể đã đưa Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau, thế nhưng Chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đẩy hai bên tới một cuộc chiến.
"Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng: chiến tranh dù cho thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta", ông nói.
Tổng thống Mỹ chào 2.000 khách mời tại Trung tâm hội nghị quốc gia để chuẩn bị lên đường vào TP HCM, tiếp tục chuyến công du kéo dài đến 22/5. Ảnh: Giang Huy. |
Tổng thống chia sẻ trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía, đã mất đi. Còn ở phía Mỹ, trên bức tường tưởng niệm mọi người cũng có thể chạm vào tên của hơn 58.300 binh sĩ vĩnh viễn không trở về. Với nỗ lực từ cả hai bên, Việt Nam và Mỹ đã hàn gắn với nhau.
"Nhiều người Mỹ, Việt đã nỗ lực hàn gắn những vết thương và cũng đã đem lại những lợi ích cho hai nước, như trung úy Hải quân giờ là ngoại trưởng John Kerry. Xin cảm ơn ngoại trưởng", ông Obama nói và hướng tay về phía ông John Kerry đang ngồi phía dưới. Tiếng vỗ tay tán thưởng lại rộ lên.
Tổng thống Mỹ cũng không quên nhắc đến Thượng nghị sĩ John McCain, người từng bị giam giữ nhiều năm trong chiến tranh. Người đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông nói rằng “hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, nên làm bạn”.
Tổng thống Mỹ kể lại lần đầu tiên ông tiếp xúc với người Việt Nam là ở Hawaii, nơi có một cộng đồng người Việt đáng tự hào. Liên tiếp gây ngạc nhiên với mọi người, ông Obama nhắc đến hàng loạt những dấu ấn của Việt Nam như lịch sử được viết lên những chiếc trống đồng Đông Sơn, Hà Nội đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa Việt Nam và cả Văn Miếu.
"Tôi trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam, hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy ở những mảnh đất này. Nhưng cũng có nhiều thế kỷ vận mệnh của các bạn lại bị quyết định bởi người khác, đất nước thân yêu của các bạn có lúc không trong tay các bạn. Nhưng cũng như những cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời", ông Obama nói.
Nhắc nhở điều mà mọi người "có thể quên", Tổng thống Mỹ cho hay từ 200 năm trước, một trong những bậc tiền bối của người Mỹ là Thomas Jefferson đi tìm lúa gạo và ông đã đến Việt Nam, tìm thấy giống gạo trắng, ngon, năng suất rất cao. Tiếp đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán.
Trong thế chiến II, người Mỹ đã tới hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Khi những phi công Mỹ bị bắn hạ, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, nói rằng mọi người sinh ra bình đẳng, tạo hóa cho họ các quyền không thể xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Đến nay, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, ông Obama mong muốn những tiến bộ này càng được thúc đẩy và quan hệ ngày càng gần gũi hơn, có thể ví như câu hát của nhạc sĩ Văn Cao: “Từ nay người biết quê người, từ nay người biết thương người”.
Ông bày tỏ lòng cảm ơn khi nhận được sự đón tiếp của các lãnh đạo Việt Nam và cả người dân trong chuyến thăm lần này. Nhiều người vẫy tay chào bên đường, làm ông cảm thấy được tình hữu nghị giữa các dân tộc. Ông cũng vui mừng thông báo hôm qua ông đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Điều này thể hiện rõ Mỹ bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam.
Theo Tổng thống, quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập, không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định. Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của đất nước Việt Nam.
Ông cho biết mục tiêu của ông đến Việt Nam là hai bên xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Hai bên đã mất rất nhiều năm để nỗ lực hàn gắn quan hệ. Mỹ muốn nói một điều không thể tưởng tượng được trước đây, rằng hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau.
"Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Tôi không còn nhiều thời gian nữa trong nhiệm kỳ của mình nhưng tôi mong muốn mình có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước", ông nói.
Nhấn mạnh đến giá trị mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, Tổng thống Mỹ cho rằng nền kinh tế sẽ phát triển, đặc biệt ở các nước có pháp quyền và có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. Do vậy, bên cạnh phát triển kinh tế cần đầu tư vào nguồn lực con người. Đó là những kỹ năng đào tạo và đầu tư vào những con người có tài năng, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là những thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam. Mỹ mong muốn sẽ kết nối những doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Nếu có thể tiếp cận với công nghệ, kỹ năng mà người Việt cần thì sẽ không có gì là trở ngại.
Ông Obama nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của mình với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều ông đã nói trong cuộc họp báo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm qua. TPP sẽ giúp Việt Nam dễ dàng trao đổi thương mại với Mỹ và giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất.
Theo Tổng thống, khi Đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động tại TP HCM mùa thu năm nay, sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam và đóng góp cho hợp tác giáo dục giữa hai nước. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
"Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình. Các thể chế như ASEAN và cấp cao Đông Á cần được củng cố. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ", ông nói.
Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại quan điểm của Washington ở Biển Đông, là đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy.
Nói về điểm khác biệt mà Mỹ và Việt Nam đang thảo luận về nhân quyền, ông Obama cho biết ngày nào ông và chính phủ của ông cũng nhận được phê bình, nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo. Việc mọi người có quyền đưa ra lời phê phán thì chính là điều giúp xã hội tiến bộ hơn.
Dẫn lời bài hát “nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, mở tấm lòng của mình ra để thấu suốt trái tim mình, Tổng thống Mỹ bày tỏ ông lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước.
"Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn. Mai này, khi người Mỹ Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói: "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”, ông Obama nói.
Khi tổng thống Mỹ một lần nữa nói cảm ơn bằng tiếng Việt và vẫy tay tạm biệt, tiếng vỗ tay rần rần dưới khán phòng đã níu chân ông lại khá lâu, trước khi ông bước vào cánh gà và rời đi TP HCM
Life - Now Let Us (Theo vnexpress)
Comments