(Life - Now Let Us)
Gia đình Ashley Harris Moore. Ảnh: NHS Organ Donation. |
Ashley Harris Moore 32 tuổi được chẩn đoán mắc xơ nang, một căn bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp nguy hiểm. Trong 10.000 người chỉ có một người mắc căn bệnh này. Ashley chỉ còn có vài tuần để sống.
Ashley đã chiến đấu với bệnh tật từ khi mới sinh. Con trai của cô hiện được 16 tháng tuổi. Hai tuần trước, tình trạng sức khỏe của cô xấu đi nhiều. Căn bệnh lạ gây tổn thương các tuyến ngoại tiết dẫn đến các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cô nhập viện Harefield ở Middlesex.
Bác sĩ cho biết Ashley cần được ghép phổi mới có thể tồn tại. Cuộc sống của cô giờ đây phụ thuộc vào nguồn tạng hiến nhưng thực tế nguồn tạng hiến tặng vô cùng khan hiếm. Nguồn tạng phổi dự trữ cuối cùng đã được ghép cho một bệnh nhân vào tháng 4 vừa qua.
Chồng cô là Alastair 34 tuổi, viết một bức thư xúc động gửi đến người vợ của mình với mong muốn cô hãy mạnh mẽ, cố gắng thêm nữa để chống chọi với bệnh tật. Trong thư, người chồng nhắc lại lần đầu hai người gặp nhau cách đây 10 năm. Cả hai đều hiểu rõ về nhau, cả bệnh xơ nang của Ashley. Không vì thế mà anh gạt bỏ tình yêu của mình. Cả hai đã cùng nhau vượt qua nỗi đau bệnh tật, cùng cố gắng và gây dựng tương lai. Cuối thư người chồng nhắn nhủ: "Xin hãy tiếp tục mạnh mẽ và chiến đấu".
Căn bệnh xơ nang hành hạ Ashley khiến cô không thể sinh con. Hai người đã thụ tinh ống nghiệm, sau 6 năm với 2 lần thụ tinh kết quả vẫn là không. Không dừng lại ở đó, hai người vẫn cùng nhau cố gắng. Phép lạ đã đến với đôi vợ chồng trẻ khi bé Emerson ra đời. Niềm vui không trọn vẹn bởi lúc con trai ra đời cũng là thời điểm sức khỏe của Ashley ở mức báo động.
Ashley đang đứng trước ngưỡng cửa tử thần. Nếu không sớm có nguồn tạng để ghép, cô chắc chắn sẽ không qua khỏi. Chồng và bạn của Ashley lập một tài khoản trên mạng xã hội kêu gọi mọi người hiến tạng. Điều này sẽ không chỉ cứu sống bản thân cô mà đem lại sự sống cho bao người đang chờ được ghép tạng nữa.
Theo Telegraph, tại Anh nguồn tạng hiến rất khan hiếm. Trong năm nay chỉ có 224 người nhận được tạng để cấy ghép. Các lãnh đạo y tế nước này đã vận động người dân, tổ chức chính trị, xã hội hiểu được ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của việc hiến mô, tạng, giúp người bệnh được sống.
Life - Now Let Us (Theo vnexpress)
Comments