#

Những mảnh ghép

Đăng bởi: Admin

(Life - Now Let Us)

Tìm mãi, tìm cho đến những giây phút cuối cùng của thời hạn tìm kiếm, mới ra được"một nửa của mình”. Thế nhưng, ghép nửa ấy vào đời mình được một thời gian thì sinh ung nhọt, thế là lại phải gỡ ra. Ít ai cam nỗi buồn lẻ loi, nên lại đi tìm mảnh ghép khác.Bức tranh ghép của cuộc đời nhiều khi liền lạc, cũng lắm khi xộc xệch, méo mó. Bởi bên cạnh những mảnh ghép lớn – những mảnh ghép chủ động đi tìm nhau, còn có những mảnh ghép bé hơn – những mảnh ghép bị kéo theo, thụ động và cam chịu. Đó là những đứa trẻ sau những cuộc ly hôn rồi tái hôn, những mảnh ghép thụ động của cha ruột và mẹ kế, cha dượng và mẹ ruột.

Từ những cuộc đời nhỏ bé ấy, người ta không chỉ có thể nhắc lại câu nói thông thường: "Đâu ai chọn lựa được cha mẹ để sinh ra” mà còn có thể nói,"Đâu ai chọn lựa được cha mẹ thứ hai để ghép vào!”.

Vừa thừa vừa thiếu.

"Tôi phải ghép từ những mảnh đời của người lớn. Họ, với những khoảng lặng ngắt bí ẩn, là một phần thời thơ ấu của tôi. Tôi không bao giờ có được điều gì trọn vẹn, theo kiểu mà những đứa trẻ khác từng có. Khi họ ly hôn, sau đó cha cưới vợ, tôi trở thành mảnh ghép khác màu không mong muốn trong cuộc sống của một gia đình mới. Tôi biết, hoặc là tôi thuộc về nửa ghép này nếu ở với cha, hoặc là thuộc về nửa ghép kia nếu ở với mẹ. Khi cha nói đến việc tôi sắp có em, tôi hiểu ngay rằng, em bé ấy quý giá hơn tôi, nó thuộc về một gia đình theo nghĩa trọn vẹn. Còn tôi, mãi mãi là mảnh ghép vừa thừa vừa thiếu mà cha không bao giờ bù đắp được… ”.

"Những mảnh ghép trong đời có nhiều lắm, và cạnh sắc của nó cắt những nhát thật sâu lên bề mặt của tuổi thơ mình. Những lát cắt đau đớn…”. Sâu hơn, và cũng thực hơn, là những cảm nhận rất thật của một"mảnh ghép già”– một người đã trải qua tuổi thơ với tư cách một đứa con riêng, hiện đang làm mẹ: "Bây giờ thì tôi hiểu những ánh mắt, những khoảng lặng ấn tượng của tuổi thơ. Khi ở với mẹ, người cha thứ hai của tôi đã nhìn thấy bóng dáng của cha ruột tôi trong mắt tôi, trong tóc tôi, trong cái tính ương bướng ngỗ nghịch của tôi. Khi về với cha, người mẹ thứ hai nhìn thấy dấu vết của mẹ ruột tôi trong thói quen hằng ngày của tôi, trong cách tôi ngồi ăn cơm, trong những lời xin xỏ lí nhí về một thứ gì đó mà thỉnh thoảng tôi mới dám nói ra… Có lúc, tôi cảm thấy mình tội lỗi vì đã mang dòng máu của một người vắng mặt trong gia đình. Nhưng tránh sao được sự thật tôi là một bản sao khiến người ta đau lòng, thậm chí có khi thù ghét… ".

Có bao nhiêu người cha, người mẹ sau khi ly hôn đã mang theo những mảnh ghép ấy vào gia đình mới của mình? Có bao nhiêu mảnh ghép trong cuộc đời tự cảm thấy mình mãi mãi chỉ là những mảnh thừa thiếu không thể hòa nhập với gia đình mới? Con số chắc phải lớn lắm…

Một nửa cha, một nửa mẹ
Đây thực sự là vấn đề. Nói gì đi nữa, đứa trẻ trong một gia đình đã tan vỡ cũng khó có được một người cha hay một người mẹ trọn vẹn. Người phụ nữ đơn thân vừa phải làm mẹ vừa phải làm cha. Người đàn ông sau ly hôn, nếu sống với con, cũng phải vừa làm cha, vừa làm mẹ. Nếu bước vào cuộc hôn nhân mới, họ phải dành tình cảm, trách nhiệm của mình cho những cá nhân khác nữa. Những giá trị cũ đã xây dựng trong suốt khoảng không gian, thời gian cũ bây giờ phải thay đổi, thậm chí phải phủ định.

Đối với người lớn, ly hôn là một quyết định phần nào mang tính giải phóng. Nhưng đối với trẻ con, đó là sự mất mát. Tình cảm anh em bị chia sẻ, cha mẹ ly tán, phải chọn lựa hoặc là cha hoặc là mẹ. Nhưng cùng với chọn lựa ấy, bóng dáng của người vắng mặt luôn tồn tại. Trước những bất công, những thay đổi, đứa trẻ có xu hướng hy vọng, lý tưởng hóa người vắng mặt, và hờn trách mọi người, mọi vật xung quanh. Trong trường hợp mẹ hoặc cha đi bước nữa, mối quan hệ mới giữa cha hoặc mẹ với bạn đời mới rất có thể trở thành mục tiêu, nguyên cớ của bao nỗi tủi hờn trong lòng đứa trẻ. Bản thân người cha hoặc mẹ cũng luôn mặc cảm vì mình không thể dành trọn vẹn tình cảm cho con, và cả cho người mới đến.


Khi không thể dành trọn vẹn bản thân mình cho ai cả, người ta sẽ đau khổ vì bị giằng xé, và dễ đánh mất sự quân bình cá nhân. Ở chỗ này là sự bù đắp quá mức, ở chỗ kia là sự thiếu hụt quá mức. Nhưng bù đắp vật chất hay bù đắp tinh thần xảy ra, có khi dồn dập, có khi ngắt quãng, có khi lén lút, nhưng đều có nét chung là sự bất thường. Những đứa trẻ thường không diễn đạt những cảm nhận này bằng lời, không thể phân tích một cách rạch ròi, nhưng chúng có thể thể hiện qua những rối loạn hành vi của mình.

Theo hướng tiêu cực, đứa trẻ có thể nổi loạn, có thể trầm cảm.. Hướng tích cực nhất, cũng không phải là hướng mong muốn: đó là cảm giác trưởng thành sớm. Có thể là vì đứa trẻ đã vượt quá giai đoạn, đánh mất dần sự hồn nhiên của tuổi thơ, dần phải biết tự chủ trong tình cảm và ứng xử, biết rằng mình phải thích cái gì và không được thích cái gì, biết rằng mình phải xử sự thế nào thì sẽ phù hợp với gia đình mới. Chúng có thể trở thành những đứa trẻ già trước tuổi vì bị buộc phải đối phó, phải tự thay đổi cho thích nghi với hoàn cảnh mới.

Muốn kết nối thành công, cần phải có một"chuẩn”, để các mảnh khác nhau có thể ghép với nhau một cách thuận tiện và chặt chẽ. "Chuẩn” của mỗi cá nhân, mỗi con người chắc không thể đồng dạng một cách cơ học như chuẩn USB của máy tính, hay chuẩn của các mảnh trong trò chơi Lego. Nhưng, có thể chính từ những kết nối này, chúng ta phải suy nghĩ về việc chuẩn bị cho trẻ thích ứng.

Chuẩn bị như thế nào còn tùy thuộc mỗi gia đình. Các chuyên gia tư vấn thường khuyên, nên tránh những cảnh cãi vã, nói xấu, mắng chửi nhau trước mặt con cái. Nhưng thực tế là khó tránh khỏi, vì không phải ai cũng tự kiềm chế được. Nhưng sau những xô xát ấy, hãy giải thích cho trẻ mọi chuyện. Cha mẹ có thể thẳng thắn trò chuyện với trẻ về hạnh phúc của mỗi người và khả năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Hãy coi trẻ như một thành viên quan trọng của gia đình, và có quyền hiểu thấu mọi chuyện, để trẻ thấy rằng, cuộc chia tay của cha mẹ là điều hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại.

Khó khăn thứ hai chính là khả năng tiếp nhận một thành viên mới vào gia đình, cũng đồng nghĩa với việc cha hay mẹ không bao giờ trở lại với nhau nữa. Cần trò chuyện với con, giúp trẻ hiểu: việc mỗi người tự vươn lên tìm hạnh phúc cho mình không phải là ích kỷ, mà là thái độ sống tích cực. Hạnh phúc của người này không bắt nguồn từ sự thiệt thòi, hay nhất thiết phải từ sự hy sinh hạnh phúc của một người khác. Và nếu bản thân mình không hạnh phúc, khó có thể đem lại hạnh phúc cho ai. Khi trẻ làm quen dần với môi trường mới, bạn bè mới, nơi ở mới… cũng là khi bạn có thể bắt đầu những chuyện này. Cho dù có những hoài nhớ, những luyến tiếc và kể cả sự ân hận về những sai lầm cũ, hãy để con cùng được chủ động tham gia với cha/mẹ trong tất cả những cảm xúc đó, bởi nó góp phần hình thành một thái độ sống chấp nhận thực tế và tích cực hơn ở trẻ.

Ly hôn không còn bị coi là cấm kỵ, là một hành động tội lỗi trong xã hội hiện đại. Nhưng những ràng buộc, hệ lụy của ly hôn không phải đã được đề cập đến một cách đầy đủ dưới tất cả các góc độ, để những người trong cuộc có được quyết định đúng đắn và ít gây tổn thương nhất cho bản thân cũng như cho những người thân yêu của mình. Khi cuộc hôn nhân đã trở nên không còn chịu đựng nổi nữa và các cặp vợ chồng cũng đồng thời băn khoăn cho số phận của con cái mình, thì điều quan trọng, không phải là các đôi vợ chồng đó quyết định gì, mà là họ thực hiện quyết định đó như thế nào.

Và trong đó, một phần vô cùng quan trọng là những đứa con, vì sau những cuộc chia ly và gặp gỡ ấy, những đứa trẻ sẽ đi tiếp quãng đường đời dài hơn cha mẹ chúng rất nhiều…

Life - NowLetus (Tổng hợp)

Comments

Nếu bạn muốn tham gia cùng viết bài và đóng góp nội dung cho
"Sắc Màu Cuộc Sống - Now Let Us"


Hãy gửi ngay